Kỳ thú khe Bò Đái ở Nam Đàn

Về xóm 1, xã Nam Tân khám phá khe Bò Đái, để hiểu thêm về một địa danh nổi tiếng ở Nam Đàn, gắn liền với câu sấm truyền đời được cho là của Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585): “Đụn Sơn phân giải/ Bò Đái thất thanh/ Nam Đàn sinh thánh”.

Hình ảnh: Đứng trên đỉnh núi Chúa – thượng nguồn khe Bò Đái, có thể bao quát cả một vùng nước non mây trời xứ Nghệ

Đụn Sơn phân giải

Bò Đái thất thanh

Thủy đáo Lam thành

Nam Đàn sinh thánh.

Theo chân người địa phương, chúng tôi rẽ lối mòn đã chằng chịt cây rừng, vượt qua nhiều lau lách, đá tảng trơn trượt dưới chân núi Thiên Nhẫn để “mục sở thị” khe Bò Đái – khe nước đã được nhắc đến nhiều trong sách vở từ xưa tới nay. Được biết khi chính quyền địa phương cấm đốt rừng, khu vực khe Bò Đái ngày càng rậm rạp hơn, xuất hiện nhiều loại động vật hoang dã như trăn, nhím, gà rừng…, đường vào khe cũng hoang vu hơn vì ít người qua lại, có chỗ còn phải đi tránh vào giữa vườn nhà dân.

Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Tứ (62 tuổi, ở xóm 1) – người làm nhiệm vụ dẫn đường, cho biết: Khe Bò Đái bắt nguồn từ núi Động Chúa – một trong những ngọn núi cao nhất của dãy Thiên Nhẫn, luồn lách trên các sườn đá dựng đứng rồi đổ ra sông Lam với chiều dài gần 2 km. Từ đỉnh Động Chúa có 4 khe nước chảy về 4 hướng: 2 hướng Tây và Nam chảy về Thanh Chương, 2 hướng Đông và Bắc chảy về Nam Đàn, trong đó có khe Ngang chảy về xã Nam Lộc, khe Bò Đái chảy về xã Nam Tân, hợp với sông Lam ở núi Hổ.

Do khe Bò Đái có độ dốc mạnh, trên dòng chảy lại hình thành 3 thác nước có độ cao lớn, dưới mỗi thác lại có một hố sâu, nên không thể theo dòng nước để đi từ dưới khe lên đỉnh núi Chúa. Thác nước dưới cùng có độ cao hơn 10 m, vốn là một thác đẹp, nhưng nay nước chỉ đủ trườn theo mép đá và chảy róc rách, nên cỏ cây chen lấn. Dưới chân thác vẫn còn nguyên hố nước, rộng như một cái ao, tứ bề mua, sim, hóp mọc um tùm.

Anh Trần Văn Phú (24 tuổi, ở xóm 5, Nam Tân) kể rằng, khi đang học phổ thông, mỗi dịp hè anh cùng bạn bè thường rủ nhau đến đây vui chơi, tắm mát. Ngày đó, thác còn chảy mạnh, cây cối không vây kín như bây giờ. Suốt mùa hè nắng nóng, khi nào cũng rộn tiếng người, nhiều du khách, học giả ở xa cũng đến đây khám phá, tìm hiểu. Chỗ có hòn đá dưới chân thác là nơi bạn bè anh thường trèo lên, thi nhau nhảy ùm xuống nước. Sau bao năm trở lại, nơi một thời học trò tinh nghịch, ngắm thác nước đang cạn dần, anh Phú không khỏi bồi hồi, nuối tiếc về một thời đã qua. Khe Bò Đái với những dòng thác đẹp như tranh, nay chỉ còn trong hoài niệm của những người đã từng về thăm.

Muốn đi lên các thác trên, phải men theo sườn núi rồi rẽ xuống khe, tìm đến thác. Những lối đi này, chỉ có người địa phương mới thông thạo vì họ thường xuyên phải đi kiểm tra ống dẫn nước của nhà mình. Trên các sườn núi dẫn đến lòng khe, địa hình chênh vênh, chỉ cần sa sẩy là có thể trượt chân xuống thác. Một số tảng đá lớn ven triền núi đã được người dân quanh vùng và khách tham quan gia cố, sửa sang thành nơi thắp hương, dâng lễ cúng thổ thần. Càng đi lên phía trên, nước khe nhiều hơn, trong hơn, do có ít ống dẫn nước hơn.

Từ trong lòng núi, các mạch nước được chắt lọc, len lỏi, tiếp nối, hợp thành dòng chảy, ẩn dưới cây rừng, điều đặc biệt là dù thời tiết khắc nghiệt, khô hạn đến đâu, nước khe Bò Đái vẫn chưa khi nào cạn. Trên đường khám phá, leo dốc quanh co, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nước khe Bò Đái là một thức uống tuyệt vời, suốt dọc hành trình khát đâu uống đó. Từ 10 năm nay, người dân địa phương đã biết tận dụng nguồn nước mát ngọt này, họ xây dựng, lắp đặt trên dòng khe, từ dưới thấp lên cao, nhiều bể nước, nhiều đầu dẫn cùng hệ thống ống nhựa kiên cố, vững chắc để dẫn nước về làng. Nước khe Bò Đái đã trở thành nguồn nước sạch, quý, phục vụ sinh hoạt, ăn uống, tắm giặt… cho hơn 30 hộ dân dưới chân núi thuộc xóm 1, xã Nam Tân.

Theo ông Tứ, người địa phương cho rằng: do đứng từ xa nhìn thấy khe nước trên núi chảy thành dòng trắng xoá và nghe âm thanh phát ra tiếng “ồ ồ”, lại ở cạnh núi Đầu Bò nên dân gian mới gọi là khe Bò Đái hay khe Ồ Ồ. Tương truyền, ngày xưa, những đêm thanh vắng, người dân sống ở Sa Nam vẫn nghe rõ âm thanh nước chảy từ khe Bò Đái vọng lại. Lâu dần, không còn ai biết tiếng “ồ ồ” ấy nữa và cũng không rõ nó “thất thanh” từ khi nào.

Chỉ biết, khe Bò Đái đã lưu danh vào câu sấm được truyền tụng trong dân gian mà người đời thường cho là của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Đụn Sơn phân giải/ Bò Đái thất thanh/ Nam Đàn sinh thánh” để tiên đoán về sự biến đổi của tự nhiên và con người ở một vùng đất. Cho dù “thất thanh”, không còn đẹp như xưa, nhưng cùng với sông Lam, núi Đụn, khe Bò Đái đã đi vào sách vở và được lưu truyền như một trong những địa danh nổi tiếng ở xứ Nghệ. Ông Tứ cho biết thêm: “Sự thật là khe Bò Đái không còn chảy mạnh như xưa, hơn 10 năm trước, đứng ở trong làng vẫn nghe tiếng nước chảy rì rầm, nhưng từ khi người dân lắp đặt hệ thống dẫn nước, thì nước khe mới cạn và không còn nghe tiếng thác”.

Vượt qua 3 thác nước và nhiều sườn núi quanh co, sẽ đặt chân được lên đỉnh núi Chúa – một trong những ngọn núi cao nhất của dãy Thiên Nhẫn. Ngay giữa đỉnh có một vùng đất bằng phẳng, rộng gần 1 nghìn mét vuông, cỏ mọc xanh tươi, không có cây cối lớn, dân gian gọi là Bãi Tiên, tương truyền là nơi tiên đánh cờ, gắn liền cùng bao huyền thoại kỳ bí, xa xưa về khe Bò Đái. Đứng trên đỉnh núi Chúa, phóng tầm mắt ra xa, có thể bao quát cả một vùng nước non, mây trời xứ Nghệ, nhìn rõ cả đỉnh Kim Nhan và biển Đông… Dưới chân Thiên Nhẫn nhấp nhô những làng xóm, ruộng đồng của các xã Nam Thượng, Nam Tân, Nam Lộc. Phía Bắc là toàn cảnh sông Lam, núi Đụn đẹp như một bức tranh…

Chiều buông, rời núi Thiên Nhẫn về làng, trong lòng chúng tôi vẫn còn cảm giác bâng khuâng, thích thú bởi chuyến đi nhiều ý nghĩa. Khám phá khe Bò Đái, mọi người không chỉ được thưởng lãm cảnh quan tươi đẹp, mà còn có dịp để liên tưởng, chiêm nghiệm câu sấm “của” Trạng Trình từ hàng trăm năm năm trước và hiểu hơn về một vùng đất địa linh nhân kiệt ở xứ Nghệ.

An Nam.

(Báo in – báo Nghệ An)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *