Sơ lược lịch sử Thanh Chương đất nước con người xưa và nay

Thanh Xuan Online giới thiệu sơ lược lịch sử Thanh Chương đất nước con người xưa và nay. Thanh Chương một miền quê non nước hữu tình. Vùng đất sản sinh ra nhiều bậc anh tài cho đất nước.

Lãnh thổ và dân cư

1. Địa lý và Tự nhiên

Huyện Thanh Chương ở phía tây nam tỉnh Nghệ An, nằm trong toạ độ từ 18o34′ đến 18o55′ vĩ độ bắc, và từ 104o55′ đến 105o30′ kinh độ đông; phía bắc giáp huyện Đô Lương và huyện Anh Sơn; phía nam giáp tỉnh Hà Tĩnh; phía đông giáp huyện Nam Đàn; phía tây và tây nam giáp huyện Anh Sơn và tỉnh Bôlykhămxay (nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào) với đường biên giới quốc gia dài 53 km.

Diện tích tự nhiên của Thanh Chương là 1.127,63 km2, xếp thứ 5 trong 19 huyện, thành, thị trong tỉnh.

Địa hình Thanh Chương rất đa dạng. Tính đa dạng này là kết quả của một quá trình kiến tạo lâu dài và phức tạp. Núi đồi, trung du là dạng địa hình chiếm phần lớn đất đai của huyện. Núi non hùng vĩ nhất là dãy Giăng Màn có đỉnh cao 1.026m, tạo thành ranh giới tự nhiên với tỉnh Bôlykhămxay (Lào), tiếp đến là các đỉnh Nác Lưa cao 838m, đỉnh Vũ Trụ cao 987m, đỉnh Bè Noi cao 509m, đỉnh Đại Can cao 528m, đỉnh Thác Muối cao 328m. Núi đồi tầng tầng lớp lớp, tạo thành những cánh rừng trùng điệp. Phía hữu ngạn Sông Lam đồi núi xen kẽ, có dãy chạy dọc, có dãy chạy ngang, có dãy chạy ven bờ sông, cắt xẻ địa bàn Thanh Chương ra nhiều mảng, tạo nên những cánh đồng nhỏ hẹp. Chỉ có vùng Thanh Xuân, Võ Liệt, Thanh Liên là có những cánh đồng tương đối rộng. Phía tả ngạn sông Lam, suốt một giải từ chân núi Cuồi kéo xuống đến rú Dung, núi đồi liên tiếp như bát úp, nổi lên có đỉnh Côn Vinh cao 188m, Núi Nguộc (Ngọc Sơn) cao 109m.

Cũng như các vùng miền núi khác trong tỉnh, vùng đất Thanh Chương do khai thác lâu đời, bồi trúc kém nên đất đai trở nên cằn cỗi và ong hoá nhanh, trừ vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Lam và Sông Giăng.

2. Về thổ nhưỡng:

Thanh Chương có 7 nhóm đất (xếp theo thứ tự từ nhiều đến ít): Nhiều nhất là loại đất pheralít đỏ vàng đồi núi thấp rồi đến đất pheralít đỏ vàng vùng đồi, đất phù sa, đất pheralít xói mòn trơ sỏi đá, đất pheralít mùn vàng trên núi, đất lúa vùng đồi núi và đất nâu vàng phát triển trên phù sa cổ và lũ tích.

Rừng Thanh Chương vốn có nhiều lâm sản quí như: lim xanh, táu, de, dổi, vàng tâm… cùng các loại khác như song mây, tre nứa, luồng mét… Hệ thực vật rừng phong phú về chủng loại, trong đó, rừng lá rộng nhiệt đới là phổ biến nhất. Rừng có độ che phủ là 42,17% (năm 2000). Động vật rừng, từ xưa có nhiều voi, hổ, nai, khỉ, lợn rừng… Nay, động vật còn lại không nhiều; còn hệ thực vật rừng, tuy bị chặt phá nhiều nhưng trữ lượng gỗ vẫn còn khá lớn. Tính đến năm 2000, trữ lượng gỗ có 2.834.780 m3 (trong đó, rừng trồng 95.337 m3, rừng tự nhiên 2.739.443 m3). Tre, nứa, mét khoảng hàng trăm triệu cây.

3. Về khoáng sản:

Thanh Chương có trữ lượng đá vôi khá lớn ở Hạnh Lâm, Thanh Ngọc, Thanh Mỹ, đá granit ở Thanh Thuỷ; đá cuội, sỏi ở bãi Sông Lam, Sông Giăng, đất sét ở Thanh Lương, Thanh Khai, Thanh Dương, Thanh Ngọc…Trong lòng đất có thể có các loại khoáng sản khác nhưng ngành địa chất chưa khảo sát thăm dò kỹ lưỡng.

4. Về sông ngòi:

Sông Lam (tức sông Cả) bắt nguồn từ Thượng Lào, chạy theo hướng tây bắc – đông nam, qua các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, chảy dọc huyện Thanh Chương, chia huyện ra hai vùng: hữu ngạn và tả ngạn. Sông Lam là một đường giao thông thuỷ quan trọng. Nó bồi đắp phù sa màu mỡ ven sông, nhưng về mùa mưa nó trở nên hung dữ, thường gây úng lụt ở vùng thấp. Sông Lam còn có các phụ lưu trong địa bàn Thanh Chương như Sông Giăng, Sông Trai, Sông Rộ, Sông Nậy, Sông Triều và Sông Đa Cương  (Rào Gang).

Với hệ thống sông ngòi chằng chịt khắp huyện, ngoài tuyến đò dọc, từ lâu đời, nhân dân còn mở hàng chục bến đò ngang, tạo điều kiện giao thông vận tải, giao lưu giữa các vùng trong huyện.

Do địa thế sông núi hiểm trở nên Thanh Chương là một vị trí chiến lược quan trọng về mặt quân sự. Người xưa đã đánh giá địa thế Thanh Chương là “tứ tắc” (ngăn lấp cả bốn mặt). Đồng thời, Thanh Chương với cảnh núi non trùng điệp, sông nước lượn quanh, tạo nên vẻ thơ mộng, “sơn thuỷ hữu tình”, đẹp như những bức tranh thuỷ mặc. Những thắng cảnh như Thác Muối, Vực Cối, Rú Nguộc, ngọn Tháp Bút, dãy Giăng Màn… đã làm cho quang cảnh đất trời Thanh Chương thêm bội phần tươi đẹp. Người xưa đã từng ca ngợi: hình thế Thanh Chương đẹp nhất ở xứ Hữu Kỳ (vùng đất từ Quảng Trị ra Thanh Hoá).

5. Về giao thông vận tải:

Ngoài đường thuỷ với hệ thống sông ngòi kể trên, Thanh Chương có đường Hồ Chí Minh dài 53 km chạy dọc theo hướng tây bắc – đông nam từ Thanh Đức tới Thanh Xuân qua 11 xã; đường quốc lộ 46 từ Thanh Khai đến Ngọc Sơn rồi chạy ngang qua Võ Liệt, cắt đường Hồ Chí Minh, tới cửa khẩu Thanh Thuỷ; đường 15 chạy từ Ngọc Sơn lên Thanh Hưng, theo hướng gần như song song với đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Thanh Chương còn có nhiều đường mòn qua Lào và các đường liên xã, liên thôn, thuận lợi cho sản xuất và giao lưu giữa các vùng nội huyện.

6. Khí hậu:

Thanh Chương nằm trong vùng tiểu khí hậu Bắc Trung Bộ (nhiệt đới gió mùa), một năm có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mùa hè có gió tây nam (gió Lào) rất nóng nực. Mùa thu thường mưa nhiều, kéo theo bão lụt. Mùa đông và mùa xuân có gió mùa đông bắc rét buốt. Khí hậu khắc nghiệt ở Thanh Chương có ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt của con người và cây trồng, vật nuôi.

Mặc dù thời tiết khí hậu khắc nghiệt, gây khó khăn trong sản xuất và đời sống nhưng với tính cần cù, nhẫn nại, nhân dân Thanh Chương đã tạo ra được những sản vật đặc trưng của từng vùng.

7. Địa lý hành chính

Ngược dòng lịch sử, từ trước công nguyên cho tới nay, vùng đất Thanh Chương đã trải qua nhiều thay đổi về đơn vị hành chính với nhiều tên gọi khác nhau.

Năm – 111 trước công nguyên (thời thuộc Hán) vùng đất này nằm trong huyện Hàm Hoan, quận Cửu Chân. Từ năm 602 (thời thuộc Tuỳ), nằm trong huyện Cửu Đức, quận Nhật Nam. Thời Tiền Lê (980 – 1009), nằm trong Châu Hoan. Thời Lý (thế kỷ XII) nằm trong châu Nghệ An. Thời Trần (thế kỷ XIII) nằm trong trấn Nghệ An. Năm Thiên Ứng thứ hai (1233), lập bản đồ, đặt tên vùng đất này là huyện Thanh Giang (trước đó gọi là huyện Thổ Du). Đầu thế kỷ XV, Nhà Minh đổi nước ta làm quận Giao Chỉ, dưới quận là phủ, châu, huyện. Phủ Nghệ An lúc đó có 16 huyện, trong đó có huyện Thanh Giang.

Năm 1469, vua Lê Thánh Tôn định lại bản đồ cả nước để thông thuộc các phủ huyện vào các thừa tuyên. Thừa tuyên Nghệ An bao gồm cả đất Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay. Huyện Thanh Giang là một trong 6 huyện của phủ Đức Quang. Năm 1729, Trịnh Giang lên ngôi chúa, huyện Thanh Giang được đổi tên là Thanh Chương theo tục kỵ huý thời phong kiến. Tên Thanh Chương bắt đầu xuất hiện từ thời điểm đó.

Thời Nhà Nguyễn, từ Minh Mệnh thứ 12 (1831), Thanh Chương là một trong năm huyện thuộc phủ Anh Sơn (Lỵ sở Thanh Chương trước ở sách Thổ Du, xã Thổ Hào, sau chuyển đến xã Lương Trường, với 5 tổng, 66 xã thôn). Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), cắt 4 tổng của huyện Nam Đường và 1 tổng của huyện Thanh Chương đặt làm huyện Lương Sơn do phủ Anh Sơn kiêm lý. (Huyện Lương Sơn là đất của huyện Đô Lương và huyện Anh Sơn hiện nay). Năm Duy Tân 1 (1907) tổng Nam Kim ở phía đông nam huyện Thanh Chương được cắt sang huyện Nam Đàn. Đồng thời, một giải đất từ Thanh Khai lên Thanh Hưng (ngày nay) được cắt từ Nam Đàn nhập sang Thanh Chương. Trước Cách mạng Tháng Tám -1945, Thanh Chương có 5 tổng (cấp trung gian giữa huyện và xã) là: Cát Ngạn, Võ Liệt, Bích Hào, Xuân Lâm và Đại Đồng.

Sau Cách mạng Tháng Tám, cấp tổng bị bãi bỏ, cấp trên xã dưới tỉnh đều nhất loạt gọi là huyện (bỏ từ phủ)

Về địa giới các xã, qua nhiều lần tách ra, nhập vào, (thay đổi nhiều nhất là vào những năm 1947, 1954, 1969), đến nay, Thanh Chương có một thị trấn Dùng và 37 xã: Hạnh Lâm, Thanh Đức, Thanh Nho, Thanh Mỹ, Thanh Hoà, Cát Văn, Phong Thịnh, Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Hương, Thanh Lĩnh, Thanh Thịnh, Thanh An, Thanh Chi, Thanh Khê, Võ Liệt, Thanh Long, Thanh Hà, Thanh Tùng, Thanh Giang, Thanh Lâm, Thanh Mai,Thanh Xuân, Thanh Thuỷ, Thanh Hưng, Thanh Phong, Thanh Văn, Thanh Tường, Thanh Đồng, Đồng Văn,Thanh Ngọc, Ngọc Sơn, Xuân Tường, Thanh Dương, Thanh Lương, Thanh Khai và Thanh Yên.

Về thị trấn, tuy đã hình thành từ trước nhưng ngày 27 -10 -1984, Hội đồng Bộ trưởng mới ra Quyết định số 141 – HĐBT:

Tách 64 héc ta đất của xã Đồng Văn, 92 héc ta đất của xã Thanh Đồng để thành lập thị trấn huyện lỵ Thanh Chương. Địa giới thị trấn huyện lỵ ở phía đông giáp xã Thanh Ngọc và xã Thanh Đồng, phía tây giáp xã Thanh Lĩnh, phía nam giáp xã Đồng Văn và xã Thanh Ngọc, phía bắc giáp xã Thanh Đồng và xã Thanh Ngọc

8. Cư dân và bản sắc văn hóa

Theo các nhà Sử học, trên địa bàn Thanh Chương, cách ngày nay từ hai vạn đến 12 ngàn năm đã có người nguyên thuỷ sinh sống. Căn cứ chủ yếu để khẳng định điều đó là những di tích đã phát hiện được tại vùng đồi gò dọc sông Lam như ở đồi Dùng (xã Thanh Đồng), đồi Rạng (xã Thanh Hưng). Những di tích trên được các nhà khảo cổ học xếp vào Văn hoá Sơn Vi, tức là cuối thời đại đồ đá cũ.

Như vậy, trên đất Nghệ An, sau di chỉ Thẩm Ồm (di chỉ thuộc thời Cánh Tân, cách ngày nay từ ba triệu năm đến một vạn năm) rồi đến Thanh Chương là nơi có di tích cổ xưa thứ hai đã được phát hiện. Những người nguyên thuỷ thời Văn hoá Sơn Vi thường nhặt đá cuội về ghè đẽo thành công cụ để chặt, nạo. Họ chuyên hái lượm và săn bắt. Mật độ dân cư thời kỳ này đã đông hơn trước. Các đồi gò có người ở thường gần nhau (có thể đó là nơi cư trú của các thị tộc trong một bộ lạc).

Qua bao thế kỷ chống chọi với thiên tai, thú dữ và giặc giã để tồn tại và phát triển, cư dân Thanh Chương ngày càng đông đúc và tiếp nhận nhiều nguồn dân cư từ nơi khác về khai khẩn đất hoang, lập thêm nhiều làng xã. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, Thanh Chương là một huyện trong thung lũng Lam Giang, trên con đường sơn cước, có địa thế hiểm yếu, qua các triều đại đều lấy nơi đây làm căn cứ địa. “Đất lành chim đậu”, nhiều người đến đây trước là vì việc nước, sau thích nghi thuỷ thổ, ở lại định cư và sinh cơ lập nghiệp. Đọc gia phả các dòng họ ở Thanh Chương chúng ta thấy nhiều họ có nguồn gốc từ Bắc Bộ, Thanh Hoá. Chẳng hạn, họ Nguyễn Duy ở Chợ Cồn là di duệ của Nguyễn Trãi, họ Nguyễn Quang và Nguyễn Tiến là hậu duệ của nhà Lý ở Bắc Ninh hoặc họ Đậu ở An Phú, Chi Nê, họ Nguyễn Sĩ… cũng có nguồn gốc ngoài Bắc. Họ Nguyễn Cảnh từ vùng Thiên Lý – Đồng Triều vào định cư ở bến đò Ngọc Sơn từ năm 1430. Chỉ kể riêng một làng Thổ Sơn thuộc xã Cát Ngạn đã có 13 trong số 16 họ có nguồn gốc từ ngoài Bắc.

Số dân Thanh Chương năm 1930 có 64.074 người. Năm 2000 có 228.603 người (trong đó, nữ: 116.972, bằng 51,17%, nam: 111.631, bằng 48,83%). Mật độ dân số toàn huyện là 202,7 người/km2. Mật độ dân số xã cao nhất là 1.184 người /km2 (Thanh Tường). Mật độ dân số thấp nhất là 29 người/km2 (Hạnh Lâm).

Khoảng đầu thế kỷ XIX về trước, ở vùng Thanh Hương (ngày nay) có các tộc người Đan Lai, Ly Hà (nay được xếp vào dân tộc Thổ). Có ý kiến cho rằng tên Sông Đan Lai có lẽ là lấy tên tộc người Đan Lai sống ven sông. Về sau, đồng bào đã dời lên sống rải rác trên các bờ khe suối vùng Con Cuông, Tương Dương.

Cũng như cư dân các vùng khác trong tỉnh, trong nước, đồng bào Thanh Chương từ xưa đến nay, nhà nhà vẫn duy trì tục thờ cúng tổ tiên và thờ cúng những bậc tiền bối có công với nước với dân. Ngoài những ngôi đền lớn chung cho nhiều vùng (như Đền Bạch Mã), một số làng còn có đền thờ vị thành hoàng của địa phương; (chẳng hạn, vùng Thanh Giang thờ thành hoàng Phạm Kinh Vỹ). Đây là một tục lệ tốt đẹp nhằm duy trì, phát huy truyền thống gia đình, họ hàng và cộng đồng làng xã. Giăng Culê (Jean Coulet) – một nhà Sử học Pháp đã viết:

Sự thờ phụng tổ tiên là tượng trưng cho gia đình và việc nối dõi tổ tông, sự thờ phụng thành hoàng tượng trưng cho làng xã và sự trường tồn của thôn dân.

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ II và phát triển mạnh vào thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XIII). Mức độ phát triển của Đạo Phật ở Thanh Chương không mạnh nên chỉ có ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống tâm linh của một bộ phận dân cư. Tuy nhiên, làng nào cũng có chùa, vườn chùa và sư sãi giữ chùa. Chùa không chỉ là nơi thờ Phật, nơi cộng đồng làng xã làm lễ cầu siêu cho đồng bào gặp nạn, mà nhiều nơi, chùa còn là nhà tạm trú chung của cả làng mỗi khi làng bị ngập nước. Công giáo được du nhập vào nước ta từ thế kỷ XV, vào Nghệ An khoảng thế kỷ XVIII. Nhà chung Xã Đoài Nghi Lộc là một trung tâm Công giáo của cả ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Địa bàn Thanh Chương, Nam Đàn từ trước 1945 trong giáo hạt Vạn Lộc với 7 giáo xứ, 39 giáo họ, theo dòng Chúa Cứu thế.

Huyện Thanh Chương hiện nay có 20/38 xã có đồng bào Công giáo gồm 1.165 hộ với 6.584 tín đồ (bằng khoảng 3,7% tổng số dân toàn huyện). Có nơi tỷ lệ giáo dân khá cao như Mô Vĩnh (Thanh Khê) các giáo xứ Trung Hoà, Lương Khế (Thanh Hoà). Hiện tại, Thanh Chương có 3 xứ, 17 họ, 19 nhà thờ và ba vị linh mục

Trong tiến trình lịch sử, tuy có vài sự kiện đáng tiếc, nhưng nói chung trước sau đồng bào lương giáo có truyền thống đoàn kết giúp đỡ tương trợ lẫn nhau và cùng chung sức chống thù trong giặc ngoài, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Là một huyên vùng núi thấp, đa số dân Thanh Chương làm nghề nông, cấy lúa nước và trồng trỉa các loại màu như ngô, khoai, sắn. Ngoài ra còn có nghề chăn nuôi, nghề khai thác lâm thổ sản và nhiều nghề thủ công khác như trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, trồng bông dệt vải (như ở Nguyệt Bổng, Thường Long, Rộ, Xuân Lâm, Cẩm Văn, Thái Bình), nghề mộc (Ngọc Sơn), nghề đánh cá, chài lưới (Phúc Yên,Xuân Bảng), nghề đan lát, làm tơi nón, chặt củi, đốt than…

Từ xưa, Thanh Chương đã có những đặc sản nổi tiếng như: chè Giăng, “cơm bà lá, cá sông Giăng, măng chợ Chùa”, trầu cau La Mạc, mít ngọt, trám bùi Cát Ngạn. Nhiều câu ca dao đã giới thiệu các đặc sản đó:

Ai về Cẩm Thái mà coi lắm ngô, lắm sắn, lắm khoai, lắm bù.
Ai hay mít ngọt, mui bùi có về Cát Ngạn với tui cùng về.
Ai hay tương ngọt nhút chua mời về ó, Nại mà mua ít nhiều
Thanh Chương ngon cá sông Giăng
Ngon khoai la Mạc, ngon măng chợ Chùa …


Trong văn hoá ẩm thực dân dã,nhút Thanh Chương, tương Nam Đànlà hai món đặc sản đã nổi tiếng từ xã xưa. Nhút là món ăn thường ngày của dân Thanh Chương. Nguyên liệu chủ yếu để làm nhút là mít xanh băm nhỏ, đem muối lẫn với những thứ khác để ăn dần quanh năm.

Bà con Thanh Chương còn có tục uống nước chè chát rất đầm ấm, vui vẻ. Trong xóm cứ luân phiên từng nhà, nấu xong ấm nước chè xanh đặc thơm phức là ơi ới gọi bà con đến uống và chuyện trò rôm rả. Đó cũng là một nếp sống văn hoá được duy trì từ lâu đời cho đến nay và chắc là còn mãi trong tương lai. Tình làng nghĩa xóm của người Thanh Chương rất đậm đà, chất phác.

Tuy ngày xưa mức sống của nông dân Thanh Chương có thấp hơn một số vùng khác nhưng về tinh thần hiếu học thì không hề thua kém ai. Từ thế kỷ XV, Thanh Chương đã có những nhà khoa bảng nổi danh như Thượng thư Đinh Bộ Cương, được người đời ca ngợi là “Quang Thuận chiếu đầu bút bảng”, đã từng làm giám thí khoa thi Đình đời Cảnh Thống (1497 –1504). Có gia đình ở làng Quảng Xá, cả 3 anh em ruột cùng đậu một khoa thi hương năm ất Dậu (1825). Người anh cả là Nguyễn Khắc Nhượng, đậu tú tài; người em thứ hai là Nguyễn Thành Hiến, đậu cử nhân, và người em út là Nguyễn Huy Phiên cũng đậu cử nhân.

Nhiều làng tuy nghèo nhưng vẫn cố gắng mời thầy mở lớp dạy chữ nho. Năm 1904, nhân dân làng Võ Liệt đã xuống làng Kim Liên, Nam Đàn mời ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về dạy học cho con em trong làng. Lúc bấy giờ, hai anh em Tất Đạt, Tất Thành (tức Hồ Chí Minh thời niên thiếu) cũng theo cha tới Thanh Chương. Tất Thành ở nhà ông Phan Sĩ Mâu tức Đồ Cẩm ở làng Võ Liệt, còn Tất Đạt (tức Cả Khiêm) ở làng Nguyệt Bổng (Xã Ngọc Sơn).

Trong các sách “Đăng khoa lục”, “Liệt truyện đăng khoa bị lục”, “Quốc triều đăng khoa lục”… có ghi tên các làng học như Võ Liệt, Thổ Hào, Đồng Văn, Đại Định… và những vị đậu đại khoa quê Thanh Chương (như các tiến sĩ:Nguyễn Sĩ Giáo, Nguyễn Đình Cổn, Phạm Kinh Vỹ, Đinh Viết Thận, Nguyễn Tiến Tài, Nguyễn Phùng Thời, Nguyễn Bá Quýnh, Nguyễn Lâm Thái, Nguyễn Thế Bình, Nguyễn Hữu Điển, Nguyễn Tài Tuyển, và các vị Phó bảng: Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Sĩ Ẩn, Bùi Sĩ Tuyển, Lê Đình Thức, Phan Đình Thực…)

Có những vị tuy đậu đại khoa, làm quan to nhưng vẫn sống thanh liêm trong cảnh nghèo, được người đời ca tụng; như Tiến sĩ Phan Sĩ Thục (1822 -1891) quê Võ Liệt, năm Tự Đức thứ 32 (1878) được thăng là Trung phụng đại phu, Tham tri Bộ Binh, kiêm Phó Đô ngự sử Viện Đô sát, Tuần vũ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị (tòng nhị phẩm) nhưng vẫn sống bần bạch. Sách Đại Nam liệt truyện có ghi: Sĩ Thục làm quan hơn 40 năm trong cái nhà tranh vách đất, hũ gạo luôn bị rỗng không mà vẫn thản nhiên.

Ngoài các bậc đại khoa Hán học, ở Thanh Chương còn có cả một đội ngũ đông đảo những ông Tú (tú tài), ông Cử (cử nhân), tuy đậu đạt rồi nhưng chỉ đi dạy học và dạy “đạo làm người” cho lớp trẻ. Nhiều thầy giáo nổi tiếng như Tôn Đức Tiến (Lỗ Xuyên), Tú Viên, Đinh Nhật Thận, Đặng Nguyên Cẩn , Bùi Hữu Nhẫn…

Nhiều ông Tú, ông Cử lại làm thầy thuốc, lấy y đức “trị bệnh cứu người” làm lẽ sống. ở thế kỷ XI có thầy thuốc lừng danh tên là Lê Lộ, được người đời coi là “thần y”, quê ở trang Trảo Nha (sau đổi Thanh Nha) tổng Võ Liệt. Ông đã từng chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo ở địa phương. Ông còn theo Lý Thái Tông đi đánh giặc Chiêm Thành. Thắng trận, ông trở về sống tại trang ấp quê nhà, tiếp tục làm nghề thầy thuốc. Khi ông mất, dân lập đền thờ, tôn là “Thần Lê Lộ sở tài, Đức Thánh Kỳ Xuyên”.

Vì trọng sự học nên các làng đều có phần ruộng “học điền” cho những người đang đi học và phần ruộng “biếu điền” cho những người đỗ đạt. (ở Võ Liệt, người đỗ Phó bảng được làng biếu 9 sào ruộng…). Người có học và đậu đạt, khi có con, không ai gọi là “anh hoe”, “anh cu”, “anh đĩ” nữa, mà được gọi một cách kính trọng như “anh học”, “anh khoá”, “anh nho”…; đến tuổi 18 được vào Hội Tư văn; đi việc làng được ngồi chiếu trên theo qui định của làng xã (ví dụ: ai trúng tam trường được ngồi ngang hàng với lý trưởng…).

Trong thời đại ngày nay, Thanh Chương vẫn là đất học. Cái nôi quê hương với bề dày truyền thống hiếu học đã hun đúc nên những nhà trí thức nổi tiếng như Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư Tôn Quang Phiệt, Giáo sư bác sĩ y khoa Hoàng Đình cầu, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, Giáo sư Trần Đình Hượu, Giáo sư viện sĩ Nguyễn Duy Quý…

Tuy lao động vất vả nhưng sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của các tầng lớp dân cư ở Thanh Chương vẫn duy trì được từ nhiều thế kỷ qua. Văn học truyền miệng dân gian có các loại truyện cổ tích, chuyện trạng tiếu lâm, ca dao, tục ngữ, câu đố, câu đối, đặc biệt là thể vè. Trong “Kho tàng vè Xứ Nghệ”(1), những bài vè thuộc địa bàn Thanh Chương chiếm tỷ lệ khá cao. Thanh Chương có nhiều làng có truyền thống sáng tác văn học dân gian như Võ Liệt, Cát Ngạn, Lương Điền, Thanh Quả, Hoà Quân,… Đặc biệt là dân ca với các điệu hò, điệu hát ru, điệu ví dặm (Ca dao hò vè). Vượt lên mọi khó khăn trong đời sống, kể cả những lúc bị thiên tai lụt lội, người Thanh Chương vẫn chèo đò đến một địa điểm để hát ví phường nốc (như ở vùng Bích Hào). Bà con vùng bán sơn địa có ví phường củi, ví phường măng (Cát Ngạn); vùng làm lúa nước có ví phường cấy (Đức Nhuận); còn dân đò dọc sông Lam, sông Giăng có hát ví đò đưa

Mê hát dân ca là một nét bản sắc văn hoá nổi bật của người dân Xứ Nghệ nói chung và Thanh Chương nói riêng.

 Hát cho đổ quán xiêu đình
Cho long lanh nước, cho rung rinh trời!

Điều đó chứng tỏ tinh thần lạc quan yêu đời của người Thanh Chương. Nội dung các lời hát, ngoài việc thổ lộ tình yêu lứa đôi còn có những lời khuyên bổ ích về đạo lý làm người, về lòng yêu quê hương đất nước; lên án kẻ xấu, nhất là bọn tham quan ô lại, bọn bán nước và cướp nước.

9. Những dấu ấn lịch sử trước năm 1930

Thanh Chương có bề dày truyền thống yêu nước với tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất rất đáng tự hào.

Theo các nhà Sử học, từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mùa Xuân năm 40 bùng nổ ở quận Giao Chỉ, “dân ở Cửu Chân và Nhật Nam đều hưởng ứng cả” (Theo Đại Việt sử lược)…. Đến năm 542, nhân dân vùng này đã góp phần xứng đáng trong cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (Lý Nam Đế). Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã làm cho dân tộc ta được hồi sinh với cái tên mới: Vương quốc Vạn Xuân (542–602).

Nhân dân Thanh Chương đã từng hưởng ứng, tham gia cuộc khởi nghĩa chống ách cai trị hà khắc tàn bạo của Nhà Đường do Mai Thúc Loan lãnh đạo vào thế kỷ VIII. Từ thành Vạn An và căn cứ Sa Nam (Nam Đàn), ông đã cùng nghĩa quân kéo ra ái Châu (Thanh Hoá), tiến công ra Bắc, đánh chiếm phủ thành Tống Bình (Hà Nội), giải phóng cả nước rồi tự xưng là Mai Hắc Đế (năm 722). Thành Vạn An trở thành Quốc đô từ thời điểm ấy.

Năm 1285, nhân dân Thanh Chương đã cùng nhân dân cả tỉnh góp phần chặn đánh một hướng tiến công từ nam ra bắc của giặc Nguyên Mông; chủ tướng giặc là Toa Đô phải bỏ vùng này rút quân ra Bắc.

Thế kỷ XV, Thanh Chương là một trong những nơi “đứng chân” của nghĩa quân Lê Lợi. Nghĩa quân đã đóng đại bản doanh tại thành Bình Ngô (Bích Triều). Được sự hưởng ứng, ủng hộ của nhân dân Thanh Chương và các vùng lân cận, nghĩa quân đã đánh tan giặc Minh tại thành Lục Niên và thừa thắng tiến về Vinh, rồi truy kích giặc ra tận Thăng Long. Nhiều người con ưu tú của Thanh Chương đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến 10 năm chống giặc Minh. Đền Bạch Mã là nơi lưu niệm chiến tích oanh liệt của Phan Đà, người anh hùng quê thôn Chi Linh, xã Võ Liệt đã dũng cảm chiến đấu với giặc Minh và hy sinh ở tuổi 18.

Sang thế kỷ XVIII, trong thời Vua Lê, Chúa Trịnh, Thanh Chương là một cứ điểm của nghĩa quân Quận He (Nguyễn Hữu Cầu). Dưới lá cờ “Đông đạo Tổng quốc bảo dân đại tướng quân” và khẩu hiệu “lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”, Quận He đã nhận được sự ủng hộ tích cực của nhân dân Nghệ An nói chung và nhân dân Thanh Chương nói riêng.

Cũng trong thế kỷ XVIII, Thanh Chương cũng là một trong những nơi đóng quân của nghĩa quân Lê Duy Mật với đồn Hoà Quân (xã Thanh Hương).

Lê Duy Mật thi hành chính sách đem lợi ích cho dân như xoá nợ, lấy ruộng đất nhà giàu chia cho nhà nghèo, đào kênh dẫn nước, lập lò rèn sản xuất nông cụ, bên cạnh đó là đúc vũ khí, lập chợ búa ở miền núi để trao đổi, buôn bán. Nhờ thế, trong gần 10 năm (khoảng 1758 –1768), nhân dân các địa phương trong tỉnh Nghệ An nói chung và trong huyện Thanh Chương nói riêng đã giúp Lê Duy Mật chống lại triều đình có hiệu quả, lực lượng nghĩa quân ngày càng lớn mạnh.

Mùa Xuân năm Kỷ Dậu, 1789, trên đường hành quân ra Bắc, vua Quang Trung dừng chân ở Nghệ An để tuyển thêm binh lính. Chỉ trong vòng 10 ngày, Quang Trung đã chiêu tập được tới 5 vạn quân.

Lúc bấy giờ, theo Bùi Dương Lịch viết trong “Nghệ An ký”, số dân (đinh) cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chỉ vào khoảng 125.000 người (mười hai vạn rưỡi). Thế mà, trong một thời gian rất gấp đã có khoảng 5 vạn người gia nhập nghĩa quân. Như vậy, có thể nói, không có làng nào không có người tòng quân.

Cuộc hành quân thần tốc đại phá quân Thanh, tiêu diệt 29 vạn tên giặc của nghĩa quân Tây Sơn đã để lại âm hưởng hùng tráng bất diệt. Đó là niềm tự hào to lớn của cả dân tộc Việt Nam nói chung và của Xứ Nghệ, quê tổ của Nguyễn Huệ Quang Trung nói riêng.

Sau khi Quang Trung tạ thế và triều đại Tây Sơn được thay thế bằng Triều Nguyễn, trong những năm 10 và 20 thế kỷ XIX, đời sống của nhân dân Nghệ An vô cùng điêu đứng, cực khổ. Trận dịch tả năm Canh Thìn, 1820, Nghệ – Tĩnh bị thiệt mạng 22.000 người. Nhiều xã thôn ở Thanh Chương và các huyện khác, dân phải đi phiêu tán, tha phương cầu thực, ruộng đất bỏ hoang rất nhiều. Do đó, hàng loạt cuộc nổi dậy của nông dân đã làm lay chuyển chính quyền phong kiến địa phương.

Năm 1811, Nguyễn Tuấn, tự xưng là Hổ uy đô thống, nổi dậy chiếm cứ vùng Thanh Chương, Nam Đường, Đông Thành và sau đó phát triển lực lượng ra nhiều nơi trên đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Quan phủ Diễn Châu là Lê Văn Quân đem quân đi tuần tiễu, bị nghĩa quân chặn đánh và giết chết.

Năm 1813, nông dân lại nổi dậy khắp một vùng rộng lớn gồm các huyện Thanh Chương, Nam Đường, Quỳnh Lưu, Đông Thành, Tương Dương, La Sơn. Quan phủ Đức Quang là Nguyễn Văn Tuấn bị nghĩa quân giết chết. Triều đình nhà Nguyễn phải cử Vệ uy vệ tướng võ là Phan Bá Phụng làm quan phủ Đức Quang, hợp sức cùng Hoàng Viết Toản, ra sức ngăn chặn để phong trào khởi nghĩa nông dân khỏi lan rộng ra các nơi.

Năm 1822, nhân dân huyện Thanh Chương nổi dậy. Tên phó Vệ uý vệ nghiêm võ Nguyễn Văn Minh đem quân đi đàn áp, bị nghĩa quân đánh cho đại bại. Tên cai đội Phạm Văn Địch bị giết tại trận. Để giữ vững tinh thần quân lính và răn đe các quan lại địa phương, Triều đình Huế cách chức Nguyễn Văn Minh, xử phạt trượng (đánh gậy), đóng gông 3 tháng và giáng cấp các trấn thần Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Hữu Bảo.

Năm 1823, Lê Quang Chấn khởi nghĩa ở Thanh Chương, Nam Đường. Vua Minh Mệnh lại phải cử một tướng lĩnh cao cấp là Lê Chất cầm đầu 4 vệ quân đi đánh dẹp… Trong trận kịch chiến ở Phú Lộc, Lê Quang Chấn cùng với một số thủ hạ chẳng may sa vào tay giặc. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Được tin, Minh Mệnh quá đỗi vui mừng, nói với triều thần:Trước nay ở Nghệ An, chỉ có việc này là xuất sắc, đáng khen . Câu nói của Minh Mệnh chứng tỏ, từ đó về trước, quan lính Triều đình khó mà dẹp nổi các cuộc khởi nghĩa của nông dân Xứ Nghệ.

***

Người đăng tin: Trí Khánh (Nguyễn Quang Khanh).

Nguồn: theo Thanh Chương toàn thư mở http://wiki.tcnao.net/ (hiện tên miền này đã ngừng hoạt động, thật đáng tiếc. Nguyễn Quang Khanh đã đọc và tải về lựu lại tư liệu quý này.

Sơ lược lịch sử Thanh Chương đất nước con người xưa và nay:

Tham khảo:

  1. Thanh Chương đất nước – con người
  2. Lãnh thổ và dân cư
  3.  Địa lý và Tự nhiên
  4.   Địa lý hành chính
  5.  Cư dân và bản sắc văn hóa
  6. Những dấu ấn lịch sử trước năm 1930
  7. Tình hình kinh tế – xã hội và sự chuyển biến ở Thanh Chương dưới ách cai trị của thực dân Pháp
  8. Tình hình kinh tế- xã hội
  9. Quá trình hình thành các tổ chức cách mạng- Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương ra đời
  10. Phong trào xuất dương trong những năm 10,20 thế kỷ XX
  11. Hoạt động của Hội Phục Việt (Tân Việt) và Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (Hội Thanh niên) ở Thanh Chương
  12. Các tổ chức cộng sản ở Thanh Chương được hình thành
  13. Phong trào cách mạng Thanh Chương dưới sự lãnh đạo của Đảng
  14. Thanh Chương trong cao trào cách mạng 1930-1931
  15. Quá tình khôi phục đảng bộ (1933 – 1935) và phong trào vận động dân chủ ở Thanh Chương (1936 –1939)
  16. Phong trào kháng Nhật cứu nước, chuẩn bị lực lượng nổi dậy giành chính quyền (1939-1945) của nhân dân Thanh Chương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *